Tin tức
Tuyển sinh đại học năm 2023 diễn ra sớm hơn các năm trước
Kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ diễn ra sớm hơn năm trước để thí sinh kịp bắt đầu năm học mới từ tháng 9. Bên cạnh các phương thức tuyển sinh truyền thống, năm nay nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra các phương án tuyển sinh khác nhau. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ PHẠM THẾ KIÊN, Giám đốc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết chủ trương tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đối với các cơ sở giáo dục đại học năm 2023?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023, các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) phải công bố Đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh riêng. Quy chế tuyển sinh của CSGDĐH phải cụ thể hóa Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Những thông tin này rất cần thiết cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển.
Kế hoạch tuyển sinh năm 2023 sẽ diễn ra sớm hơn năm trước để thí sinh kịp bắt đầu năm học mới từ tháng 9. Một số nội dung cụ thể như sau: về cách thức xét tuyển: thí sinh đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Về nguyện vọng: thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới. Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển cho mình. Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và các ngành đào tạo giáo viên sau khi có kết quả thi THPT.
-Về phương thức tuyển sinh đại học năm 2023 của Đại học Huế, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị thì như thế nào, thưa ông?
Năm 2023, Đại học Huế dự kiến tuyển sinh 15.139 chỉ tiêu cho 139 ngành đào tạo theo 6 phương thức tuyển sinh (tăng 1 phương thức xét tuyển so với năm 2022). Cụ thể: xét kết quả học tập cấp THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét kết quả học tập cấp THPT hoặc xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kết hợp với kết quả thi năng khiếu; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành; xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong Đại học Huế và xét kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (áp dụng cho các ngành đào tạo của Trường Đại học Sư phạm).
Trong năm 2023, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tập trung tuyển sinh các ngành đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật cho tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật xây dựng và Công nghệ kỹ thuật môi trường. Chúng tôi rất mong chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với phân hiệu, cùng nghiên cứu phương án cho các em học sinh tỉnh Quảng Trị học tại phân hiệu, thực hành tại doanh nghiệp và được nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Học sinh lớp 12 cần lưu ý tập trung ôn tập tốt để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: TÚ LINH
Năm nay, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị vẫn tiếp tục sử dụng 2 phương thức chính để tuyển sinh là xét kết quả học tập cấp THPT và xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
-Thời gian qua, có nhiều ý kiến nên bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ vì không phù hợp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Liên quan đến tổ chức tuyển sinh, khoản 2, Điều 34, Luật Giáo dục đại học quy định: CSGDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chỉ rõ: cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tự chủ trong tuyển sinh được Bộ GD&ĐT yêu cầu phải đảm bảo các nguyên tắc công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội.
Như vậy, các CSGDĐH có quyền tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ. Thực tế cho thấy, trong khoảng ba năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước đã dành chỉ tiêu cho phương thức này. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các CSGDĐH dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỉ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong khoảng 20 phương thức tuyển sinh, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).
Theo tôi, mỗi phương thức xét tuyển đều có ưu điểm riêng. Phương thức xét học bạ có thủ tục đơn giản, hồ sơ chuẩn bị dễ dàng, hình thức xét tuyển linh hoạt, nhanh chóng. Ngoài ra, xét tuyển đại học bằng điểm học bạ tránh được việc tổ chức thi cử tốn kém, mất thời gian, công sức của toàn xã hội và thí sinh cũng không chịu quá nhiều áp lực thi cử.
Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khác nhau, kết quả học tập ở THPT của học sinh chưa thực sự phản ánh hết học lực của các em thể hiện qua việc khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Chúng ta chấp nhận sự thiếu công bằng do yếu tố khách quan, nhưng rất mong các trường THPT có trách nhiệm trong việc bảo đảm sự tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT cần được tăng cường và phát huy hiệu quả, giúp cho công tác tuyển sinh đảm bảo được các nguyên tắc đã đề ra.
-Có nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Về vấn đề này, ông có lời khuyên thế nào đối với thí sinh?
Tính đến tháng 1/2023, có 5 kỳ thi riêng do các CSGDĐH tổ chức, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an. Trong đó, 2 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức với quy mô lớn, từ 70.000 - 100.000 lượt thí sinh và được nhiều CSGDĐH thông báo công nhận kết quả để xét tuyển.
Ngoài ra, từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các CSGDĐH cần tính toán phương thức tuyển sinh. Trong giai đoạn này, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức nhưng rất khó để đáp ứng hoàn toàn cho các CSGDĐH xét tuyển đầu vào, vì mỗi trường có yêu cầu khác nhau.
Việc nhiều CSGDĐH tổ chức các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, thi đánh giá năng lực chuyên biệt, thi đánh giá tư duy…) để xét tuyển đại học, đặc biệt thi đánh giá tư duy là phù hợp với xu hướng quốc tế. Bài đánh giá tư duy sẽ bao gồm những câu hỏi, tình huống để đo lường và bao quát khả năng suy đoán, lập luận, xử lý và tích hợp thông tin, giải quyết vấn đề của thí sinh. Hiện nay các cơ sở giáo dục đại học cũng đã chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Khi tổ chức kỳ thi riêng, các cơ sở giáo dục đại học cũng đã tạo điều kiện cho thí sinh, tránh việc đi lại tốn kém và phải tham dự nhiều kỳ thi.
Mỗi CSGDĐH sẽ hiểu rõ nhất về những yêu cầu cần thiết ở các thí sinh khi tuyển sinh là gì. Mỗi kỳ thi, khi tổ chức, phải bảo đảm theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Để đáp ứng được những tiêu chí, yêu cầu đó, các cơ sở giáo dục đại học phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện, không phải cứ tự nhiên muốn là tổ chức được. Do đó, việc các CSGDĐH tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, tôi cho rằng đây cũng là vì muốn hướng đến việc tuyển được các em có đủ năng lực, tư duy đặc biệt, giúp các em có thể hoàn thành tốt việc học khi vào trường.
Việc lựa chọn ngành nghề là quyền của thí sinh. Vì vậy, thí sinh cần xác định được mục đích, yêu cầu của từng kỳ thi, cân nhắc lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu lựa chọn và khả năng của bản thân. Quan trọng là thí sinh vẫn phải lưu ý tập trung ôn tập để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
-Xin cảm ơn ông!